MASAN TIẾP TỤC ĐỨNG ĐẦU NGÀNH HÀNG NƯỚC CHẤM - GIA VỊ 2008
18/01/2008 11:24 am
Từ kết quả điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao 2008:
Đã ngang sức với hàng ngoại
Kết quả điều tra cho thấy, điểm chất lượng bình quân chung do người tiêu dùng đánh không có chênh lệch lớn so với hàng nhập, 3,6 điểm của hàng nội so với 3,7 điểm cho hàng nhập (trên thang điểm từ 1 đến 5)...
Nhìn chung, người tiêu dùng (NTD) chọn sử dụng hàng sản xuất trong nước ở những ngành đã có mức phát triển cao, đủ sức cạnh tranh với hàng nhập như ngành nước chấm gia vị, đồ uống không cồn, sản phẩm từ cao su, xi măng, sắt thép xây dựng. Ở những ngành này, mức độ sử dụng sản phẩm trong nước lên đến 99%.
Có hai ngành NTD chọn sử dụng hàng nhập cao là máy móc gia dụng (37,5% hàng ngoại so với 62,5% hàng sản xuất trong nước) và đồ điện tử gia dụng – kỹ thuật cao với tỷ lệ (39,4% so với 60,6%).
Chất lượng: kẻ tám lạng, người nửa cân
Một điểm mạnh của HVNCLC là điểm chất lượng bình quân chung mà NTD đánh giá không có chênh lệch lớn đối với hàng nhập: 3,6 điểm so với 3,7 điểm cho hàng nhập (trên thang điểm từ 1 đến 5).
Trong nhóm thực phẩm, sữa ngoại nhập được NTD đánh giá cao hơn sữa sản xuất trong nước, điểm số 4,1 so với 3,5. Các ngành mà NTD đánh giá cao hàng nhập còn có vật liệu ốp lát (3,7 so với 4,0), thiết bị vệ sinh (3,6 so với 4,0), trang sức (3,6 so với 4,0).
Hiếm hoi có nhóm sản phẩm cao su được NTD chấm điểm hàng nội cao hơn nhập (4,0 so với 3,4).
Số liệu có vẻ trái ngược với mức độ sử dụng hàng nội chiếm tỷ lệ cao như đã nêu ở trên, đó là vì sự lựa chọn tiêu dùng này còn phụ thuộc vào các yếu tố chọn mua khác như thương hiệu, giá cả,...

Khi người tiêu dùng trưởng thành…
Kết quả nghiên cứu ở tất cả các ngành cho thấy yếu tố giá cả sản phẩm không còn giữ vị trí quan trọng khi người tiêu dùng chọn mua sản phẩm. Khuyến mãi cũng chỉ là tiêu chí phụ. Thu nhập tăng, sức tiêu dùng tăng đã làm thay đổi quan điểm tiêu dùng. Các tiêu chí lựa chọn liên quan đến “ăn ngon, mặc đẹp” như dinh dưỡng, mẫu mã, kiểu dáng, tính năng, thương hiệu sản phẩm… được NTD quan tâm nhiều hơn.
Chẳng hạn như ngành sữa và các sản phẩm từ sữa, đa số NTD chọn mua sản phẩm vì yếu tố dinh dưỡng, vệ sinh an toàn và thương hiệu. Đây chính là bước trưởng thành trong tiêu dùng.
Ngành trang sức đa số NTD lại chọn mua sản phẩm vì yếu tố mẫu mã, kiểu dáng và thương hiệu rồi mới đến các yếu tố khác.
Trong hầu hết các ngành hàng, thương hiệu đóng vai trò như là yếu tố đảm bảo chất lượng! Người tiêu dùng lý giải họ chọn mua sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng vì nhận thức: sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng là sản phẩm đã được thị trường kiểm nghiệm, giúp tránh được rủi ro chọn nhầm sản phẩm kém chất lượng.
Đã xuất hiện một bộ phận NTD nhận thức rằng sử dụng sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng để thể hiện đẳng cấp, địa vị xã hội. Lớp NTD trẻ coi đó như là cơ sở tạo ra sự sành điệu, thời trang… Thương hiệu dưới mắt NTD đã chứa đựng những giá trị đặc biệt cả về lý tính và cảm tính.
… và tự tin hơn
Các kênh thông tin cơ bản mà NTD thường tham khảo thông tin về sản phẩm là truyền hình, báo chí, người bán, người thân/bạn bè, internet. Tuy nhiên, kênh thông tin quan trọng nhất lại là kinh nghiệm tiêu dùng của chính bản thân. Thực tế này khẳng định người tiêu dùng đã trở nên tự tin hơn vào kiến thức tiêu dùng của chính mình.
Kinh nghiệm bản thân, một kiểm nghiệm thực tế qua tiêu dùng là nguồn thông tin quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm của NTD. Cuộc điều tra “Hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam” do báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện đầu năm 2007 cũng cho kết quả tương đồng và rõ ràng về hành vi này của NTD. Nếu kinh nghiệm này là tích cực thì quyết định mua lại sản phẩm trong tương lai sẽ nhanh và đơn giản hơn, đồng thời sự hài lòng về sản phẩm sẽ được truyền đạt cho người thân/bạn bè. Ngược lại, khi không hài lòng với sản phẩm thì cũng là cơ sở tạo ra rào cản người thân/bạn bè tiếp cận và mua dùng sản phẩm.
Hai nguồn thông tin này được chủ thể tiêu dùng tạo nên mối tương tác qua lại. Và rồi chính mối tương tác ấy nâng tầm quan trọng tới mức NTD hiếm khi bỏ qua khi mua sản phẩm, nhất là khi mua những sản phẩm càng có giá trị cao càng thể hiện rõ nét tầm quan trọng của hai nguồn thông tin này đối với quyết định mua dùng sản phẩm.
Vì vậy, việc tạo dựng uy tín của doanh nghiệp bằng chất lượng sản phẩm, chăm sóc tốt khách hàng là phương thức quảng cáo hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp.
So sánh với kết quả điều tra năm 2007 về mức độ ảnh hưởng của các nguồn thông tin đối với quyết định mua sản phẩm của NTD không có sự khác biệt về thứ hạng xếp theo mức độ ảnh hưởng của các nguồn thông tin.
Tuy nhiên có sự thay đổi về tỷ lệ NTD tham khảo ở mỗi nguồn thông tin. Nếu như năm 2007 tỷ lệ NTD chịu ảnh hưởng từ kinh nghiệm bản thân là 52% thì cho đến nay tỷ lệ này đã tăng lên 61%. Các nguồn thông tin khác tỷ lệ tham khảo có giảm so với kết quả điều tra năm 2007.
Đặc biệt nguồn thông tin tham khảo từ người bán có tỷ lệ giảm 5% (từ 20,4% năm 2007 xuống còn 15,3% năm 2008). Đây là điều đáng lưu ý: trình độ tiếp thị, giới thiệu và tư vấn về sản phẩm của đội ngũ nhân viên bán hàng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư đào tạo đúng mức. Đây chính là khâu doanh nghiệp cần đột phá trong những năm tới, để có thể chinh phục khách hàng một cách hiệu quả hơn.

Chợ “teo tóp” là tất yếu
Bên cạnh việc lựa chọn một sản phẩm tốt phù hợp với nhu cầu, người tiêu dùng còn rất quan tâm và cân nhắc một nơi mua phù hợp.
Kết quả điều tra cho thấy kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng chuyên, đại lý ngày càng chiếm ưu thế so với các kênh bán hàng truyền thống, không chuyên. Tiệm tạp hoá và chợ tuy vẫn giữ vai trò quan trọng, có lợi thế tạo ra sự thuận lợi trong tiêu dùng sản phẩm của một số ngành hàng, nhưng quy mô nhỏ, thiếu tính phong phú, đa dạng trong phân phối, tổ chức, chất lượng hàng hoá không đảm bảo… là những nguyên nhân thu hẹp quy mô phổ rộng của các kênh phân phối này.
Số liệu điều tra cũng cho thấy là NTD có mức sống càng cao càng chuộng các hình thức phân phối hiện đại. Trái lại NTD có mức sống thấp lại chiếm tỷ lệ cao hơn ở các kênh phân phối truyền thống. Phần số liệu này khá phức tạp, chúng tôi sẽ cung cấp riêng cho doanh nghiệp có nhu cầu.
Kết quả điều tra cũng cho thấy sự khác biệt lớn trong việc chọn kênh phân phối của NTD giữa các vùng khác nhau. Xu hướng tiêu dùng hiện đại thể hiện rõ nét ở miền nam, tỷ lệ NTD miền nam chọn kênh phân phối siêu thị nhiều nhất (63,7%), trong khi đó NTD khu vực miền trung và Tây nguyên lại chiếm tỷ lệ cao hơn các khu vực khác ở các kênh phân phối truyền thống như kênh phân phối tiệm tạp hoá và chợ. NTD miền Bắc lại tập trung cao nhất ở cửa hàng chuyên. Sở dĩ có sự khác biệt này là vì kênh phân phối siêu thị phát triển chưa nhiều ở khu vực miền trung và Tây nguyên so với sự phát triển phổ rộng ở khu vực miền Nam.
Hữu Điền