Ngày 28/8 là một ngày đáng nhớ đối với CTCP Công nghiệp Thương mại Masan (Masan) khi doanh nghiệp này quyết định cùng Vietnam Oppotunity Fund (VOF) chia sẻ mục tiêu đưa Masan trở thành Công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng tại Việt Nam. VOF, quỹ đầu tư do Công ty Quản lý quỹ VinaCapital quản lý, sẽ tham gia 15% vốn cổ phần trong Masan.
Hai đại diện của VOF trong đó một là chuyên gia trong việc hoạch định quản trị chiến lược tài chính và một người có kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng chuyên về hoạch định các chiến lược phát triển kinh doanh, sẽ tham gia HĐQT của Masan gồm 7 thành viên. Đây cũng là viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho những cơ hội hợp tác cao hơn giữa VOF và Tập đoàn Masan.
Đôi nét về Tập đoàn Masan
Tập đoàn Masan (Masan Group) thành lập năm 1996, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: đầu tư tài chính, vận tải biển và kho vận, khai thác khoáng sản, bất động sản và thực phẩm... Masan Group hiện kinh doanh thành công trong các lĩnh vực vận tải biển (Việt Nam – Nga), khoáng sản, đầu tư tài chính và đặc biệt là lĩnh vực chế biến thực phẩm.
CTCP Công nghiệp – Thương mại Masan là một trong những Công ty thành viên thuộc Masan Group, vốn điều lệ 85 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm tiêu dùng và sản xuất bao bì màng phức hợp. Theo số liệu năm 2005, Masan đạt lợi nhuận 16,5 tỷ đồng, hay tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ 37% (năm 2005, vốn điều lệ của Công ty là 45 tỷ đồng). Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Masan đã đạt lợi nhuận 17 tỷ đồng, tương đương 61% kế hoạch 2006 và đã vượt mức thực hiện cả năm 2005. Nhìn chung, Ban lãnh đạo Masan kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của Công ty trong các năm tới: doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng vào năm 2010, tương đương tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm tính từ 2006.
Bước tiến trong chiến lược phát triển
Ở thời điểm hiện nay, CTCP Công nghiệp – Thương mại Masan có thể xem như bộ mặt đối ngoại của Masan Group và việc hợp tác với VinaCapital có lẽ còn có ý nghĩa lớn hơn việc VinaCapital góp vốn và tham gia quản trị của một Công ty thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Masan, Công ty hiện đang có sự thành công, nhưng trong giai đoạn sắp tới, Masan cũng như các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn để hội nhập. Masan tin tưởng việc bắt tay với VinaCapital sẽ đem lại sức mạnh cộng hưởng giữa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trí tuệ và tài chính giữa một doanh nghiệp sản xuất dịch vụ và một tổ chức tài chính quốc tế, tiếp cận hiệu quả những cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực mà Công ty đang theo đuổi. Việc hai đại diện của VOF tham gia HĐQT của Masan với những hứa hẹn đóng góp về cả kinh nghiệm quản trị tài chính nói chung và chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nói riêng, cũng là một trong những ví dụ minh chứng cho sự hợp tác quan trọng này.
Ông Quang cũng cho biết, Masan sẽ phát hành thêm CP và niêm yết trên TTCK trong năm 2007.
Vị trí số 1
10 năm trước Masan bước vào lĩnh vực chế biến thực phẩm với các mặt hàng mỳ ăn liền, nước tương và tương ớt chủ yếu phục vụ thị trường Nga và Đông Âu. Vào thời đó, kế hoạch của Masan khiến giới kinh doanh ngạc nhiên vì người Nga không ăn cay. Nhưng thực tế chứng minh Masan đã đúng. Hiện nay, doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 60% tổng doanh thu của Masan trong đókhoảng 35% từ các sản phẩm mỳ ăn liền, nước tương, tương ớt và hạt gia vị do Công ty sản xuất và 25% từ các sản phẩm nông sản. Thị trường Nga hôm nay được nhìn nhận là có khả năng tăng trưởng mạnh nhờ thế mạnh của Masan so với các doanh nghiệp Nga là chi phí thấp và công nghệ sản xuất tiên tiến.
Masan cũng đã đạt được thành tích đáng nể tại thị trường gia vị Việt Nam. Sau 3 năm chú trọng phát triển thị trường nội địa, các mặt hàng nước tương, nước mắm và hạt nêm gia vị mang nhãn hiệu Chinsu đạt được vị trí số 1 trong ngành hàng gia vị cao cấp tại Việt Nam trong 3 năm: 2004, 2005 và 2006 với 60% thị phần (số liệu của Masan) của phân khúc thị trường này.
Theo ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, VOF luôn quan tâm tới các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó có ngành hàng chế biến thực phẩm. Masan có quy mô vốn đủ lớn, đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu Chinsu trong một thời gian ngắn với các chiến lược khác biệt là nền tảng cho sự thành công. VinaCapital đồng hành và tin tưởng vào sự phát triển của Masan.
Câu chuyện của Masan hôm nay khiến nhiều người nhớ lại sự kiện của 3 năm trước đây khi VOF cùng với Kinh Đô mua lại Nhà máy kem Wall’s của Unilever. Hôm nay người tiêu dùng hứng thú thưởng thức kem Kido với hương vị của sự chuyển tiếp thành công một nhãn hiệu kem quốc tế. Câu chuyện Nhà máy kem Wall’s cũng đưa đến sự hợp tác sâu rộng giữa VinaCapital và Kinh Đô trong lĩnh vực thực phẩm, đầu tư bất động sản...